Canxi rất quan trọng cho sự phát triển của xương. Đôi khi bạn sẽ cần sử dụng các sản phẩm bổ sung khoáng chất này cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết uống canxi lúc nào sẽ mang lại hiệu quả cao.
Các dạng canxi thường thấy trong thực phẩm bổ sung
Canxi thường kết hợp với 1 gốc muối tạo thành hợp chất. Mỗi hợp chất sẽ chứa lượng canxi nguyên tố khác nhau, gồm có:
- Canxi carbonate (40% canxi nguyên tố)
- Canxi citrate (21% canxi nguyên tố)
- Canxi gluconate (9% canxi nguyên tố)
- Canxi lactate (13% canxi nguyên tố)
Trong đó, hai dạng phổ biến nhất trong các thực phẩm bổ sung canxi là carbonate và citrate. Ngoài ra, một số sản phẩm còn phối hợp giữa canxi với các vitamin hay khoáng chất khác.
Các lựa chọn bổ sung canxi
Việc sử dụng các thực phẩm bổ sung canxi có khi mang lại cho bạn một số tác dụng không mong muốn như chướng bụng, đầy hơi và táo bón. Do đó, bạn có thể cung cấp canxi cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống.
Nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm:
- Hạnh nhân
- Đậu nành
- Cam
- Quả sung sấy khô
- Đậu gà (garbanzo), đậu trắng và đậu cúc
- Sữa ít béo, sữa chua
- Các loại rau lá xanh như cải xoăn, cải bó xôi
Bên cạnh đó, tập luyện thể dục thường xuyên cũng giúp bảo vệ sức khỏe cho xương, khớp. Các bài tập như đi bộ, chạy bộ, tập tạ giúp ngăn ngừa loãng xương hiệu quả.
Uống canxi lúc nào thì có hiệu quả nhất?
Để cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm bổ sung tốt nhất, bạn nên ghi nhớ các nguyên tắc sau:
- Uống canxi trong hoặc sau bữa ăn. Lưu ý, tránh uống canxi chung với các thức ăn có nhiều chất xơ vì chúng có thể liên kết với canxi, ngăn cản quá trình hấp thu khoáng chất này vào cơ thể.
- Không uống nhiều hơn 500–600mg canxi cùng một lúc. Bạn cần chia thành nhiều lần uống trong ngày để bổ sung đủ nhu cầu canxi cho cơ thể.
- Không uống thực phẩm bổ sung canxi cùng lúc với các sản phẩm bổ sung khoáng chất khác như sắt, kẽm. Nếu cần bổ sung nhiều chất cho cơ thể, hãy uống cách xa nhau ít nhất 2 giờ đồng hồ.
Bạn nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn để tránh các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.