Thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ho, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Khi nào cần dùng kháng sinh?
Phần lớn các cơn ho có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn cần đến bác sĩ ngay nếu cơn ho liên tục kéo dài, cơn ho trầm trọng và đau, có ra máu hay ra đờm có màu khác lạ, đặc biệt ho đi kèm với các triệu chứng khác như đau ngực hay thở gấp. Với những trường hợp như vậy, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh bệnh thêm nặng và gây nguy hiểm hơn cho người bệnh.
Chỉ dùng thuốc giảm ho trong trường hợp ho không có đờm (ho khi cảm cúm, ho do dị ứng…), ho nhiều làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ. Không dùng thuốc giảm ho trong trường hợp ho có đờm (trong bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế quản…) vì ho được coi như cơ chế bảo vệ có lợi, làm sạch đường thở.
Chỉ nên dùng kháng sinh khi biết chắc chắn là có nhiễm khuẩn. Nếu do virus thì không cần thiết dùng kháng sinh, trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn. Do vậy, người bệnh cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế để xác định nguyên nhân gây ho và phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Dùng thuốc ho đúng cách?
Khi bị ho và dùng thuốc, cơ thể cần thời gian để thuốc phát huy tác dụng, thời gian có thể dài hoặc ngắn tùy thuộc thể trạng và tình trạng bệnh nặng nhẹ khác nhau. Do đó, người bệnh không nên sốt ruột mà tự ý tăng liều dùng thuốc có thể gây quá liều. Đối với trẻ nhỏ thường dùng dạng siro, cha mẹ cần chú ý sử dụng đúng dụng cụ đong thuốc có kẻ sẵn vạch định lượng trong hộp thuốc, tránh dùng thìa hay cốc không có vạch định lượng sẽ gây quá liều hoặc thiếu liều khiến thuốc không đạt hiệu quả điều trị.
Các loại thuốc ho được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau và phần lớn các dạng thuốc viên nén, nhộng, nang mềm… đều dùng để uống trọn cả viên, không được nghiền nhỏ, nhai nhỏ, bỏ vỏ nhộng, bẻ vụn chia thành nhiều liều… vì sẽ phá vỡ cấu trúc giải phóng, làm thay đổi dược động học của thuốc và có thể dẫn đến mất hoặc tăng, giảm hiệu quả điều trị hoặc xảy ra độc tính cho người dùng.